“Sát thủ tầm cao” – Từ Thanh Thuận: “Tôi lấy chị Kim Huệ làm tấm gương”

Để có được thành công, Từ Thanh Thuận cũng phải đánh đổi quá nhiều thứ với cái nghiệp VĐV mà anh đang theo đuổi. Những chuyến đi xa gia đình biền biệt, để lại vợ trẻ, con thơ, những chấn thương, những áp lực và ngay cả những cám dỗ khi còn là một VĐV nghèo của tỉnh lẻ.

“Để thành công, ai cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Ngày mới ra tập trung đội tuyển tôi từng bị ăn hiếp, bị coi thường vì tôi không là gì cả. Nhưng nhờ có nó mà tôi cố gắng nỗ lực để thành công. Không có thành công nào là dễ dàng cả. Vậy nên, nếu bạn chưa thành công, đừng bao giờ bỏ cuộc. Đơn giản vì bạn chưa “trả” đủ mồ hôi và nước mắt thôi”, chủ công Từ Thanh Thuận chia sẻ.

Trong thi đấu thể thao, những thành công luôn phải đánh đổi. Với bóng chuyền thi đấu đỉnh cao, môi trường cạnh tranh càng khắc nghiệt hơn. Các VĐV ngay từ vạch xuất phát đã phải sàng lọc chiều cao, tố chất đầu vào. Tiếp đó là sự đào thải khắc nghiệt về chuyên môn. Chính vì vậy, việc một VĐV vươn tới đỉnh cao đều được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu nơi sàn đấu.

Từ Thanh Thuận, “thùng thuốc pháo” của bóng chuyền Việt Nam đã phải đánh đổi rất nhiều thứ để có được thành công như ngày hôm nay. Bản thân Thanh Thuận cũng là VĐV dám thay đổi để tìm kiếm thành công riêng cho mình. Xuất phát điểm là một phụ công, với những pha đánh bóng nhanh, hay khả năng phát bóng bay thường thường. Ấy thế, chỉ sau có 1 năm, cả làng bóng chuyền bất ngờ với chủ công Từ Thanh Thuận. Chàng trai quê Tiền Giang có những pha bật cao đập bóng uy lực hay những pha nhảy phát bóng tấn công không thể cản phá. Thế mới thấy, có bước qua những khó khăn mới đo được nghị lực của mình.

Thế nhưng, ngay cả đến bây giờ, khi đã là chủ công số 1 của bóng chuyền Việt Nam, Từ Thanh Thuận cũng chưa bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Là VĐV có tính cách hồn nhiên, ý thức tập luyện mẫu mực, sống hòa đồng với tập thể. Chính vì vậy không khó để Từ Thanh Thuận trở thành hình mẫu lý tưởng cho nhiều VĐV trẻ tại Sanest Khánh Hòa như: Quang Đoàng, Quốc Đoàn hay Văn Tiên… “Khi mình không có chuyên môn tiếng nói của mình sẽ là vô giá trị.

Nhưng khi có được chỗ đứng và tiếng nói thì đừng chỉ nghĩ đến quyền lợi bản thân mà phải vì lợi tích chung, vì quyền lợi của tập thể, tôi học điều đó từ chị Kim Huệ. Trong chuyên môn, tôi cũng lấy anh Hữu Hà hay chị Kim Huệ làm tấm gương, bởi họ luôn nỗ lực tập luyện, luôn cháy hết mình bất chấp tuổi tác hay sự nổi tiếng.” Thanh Thuận tâm sự.

Để có được thành công, Từ Thanh Thuận cũng phải đánh đổi quá nhiều thứ với cái nghiệp VĐV mà anh đang theo đuổi. Những chuyến đi xa gia đình biền biệt, để lại vợ trẻ, con thơ, những chấn thương, những áp lực và ngay cả những cám dỗ khi còn là một VĐV nghèo của tỉnh lẻ. Nhưng với bản chất lương thiện của một chàng trai yêu thích và đam mê thể thao, Thanh Thuận đã vượt qua tất cả để có được chỗ đứng mà nhiều VĐV bóng chuyền Việt Nam ao ước.

Năm mới với bóng chuyền Sanest Khánh Hòa đã có nhiều thay đổi, nhưng theo Từ Thanh Thuận đó là một chiều hướng tốt. Với sự xuất hiện của HLV Thái Quang Lai, anh em trong đội bóng gắn kết nhiều hơn, thương yêu nhau nhiều hơn. Điều quan trọng là những điều thầy làm cho VĐV là đáng trân trọng và vì thế mà VĐV phải nỗ lực, cống hiến. Sanest Khánh Hòa trong năm 2018, Thanh Thuận khẳng định sẽ có nhiều khởi sắc từ lối chơi cho đến cách ứng xử trong chuyên môn dưới triều đại của HLV Thái Quang Lai. Bóng chuyền chuyên nghiệp là đấu trường khốc liệt và đội bóng giành chiến thắng là người đấu sĩ can trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *