Chàng trai Hà Nội si tình quyết tâm cưới cô gái khiếm thị về làm vợ dù bị gia đình cấm cản, hơn 10 năm sau khiến nhiều người trầm trồ ngưỡng mộ.
Cô gái khiếm thị tự lực cánh sinh
Chị Lê Kim Dung (SN 1984) ở Sơn Tây, Hà Nội không may bị khiếm thị do bị teo nhãn cầu từ năm 18 tuổi. Trước đó, mắt chị Dung ngày càng kém dần đi và không còn nhìn thấy gì vào năm học lớp 12. Dù gia đình đưa chị ra Bệnh viện Mắt Trung Ương để chạy chữa nhưng không thành. Giờ đây, chị chỉ có thể phân biệt được ánh sáng giữa ngày và đêm.
Cô gái khiếm thị nỗ lực vượt qua số phận.
Dù vậy, người phụ nữ 8X này chưa từng đầu hàng trước số phận, chị đăng ký theo học chữ Braille, hệ thống chữ nổi dành cho người khiếm thị tại một trung tâm ở Hà Nội. Hơn nữa, chị Dung còn nhanh chóng tìm một công việc phù hợp với bản thân để trang trải chi phí học tập vì không muốn trở thành gánh nặng của gia đình.
Chị Dung chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ mình phải làm gì đó, ít nhất là tự nuôi sống được bản thân. Khi được thông báo có lớp dạy nghề xoa bóp, bấm huyệt cho người khiếm thị, tôi đã đăng ký. Đây là lớp nghề sơ cấp do các giảng viên của trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh trực tiếp hướng dẫn”.
Tuy nhiên, cuộc việc này đòi hỏi một sức khỏe dẻo dai vì cần sử dụng nhiều đến lực của đôi bàn tay. Trong quá trình học việc, chị Dung đôi lần có ý định bỏ cuộc nhưng vì đó là công việc phù hợp với chị nhất lúc này nên đành quyết tâm theo đuổi đến cùng.
Cuối năm 2002, chị Dung nhận được đồng lương đầu tiên sau thời gian học việc. Đây là một sự kiện đáng nhớ trong đời bởi chị dần xóa bỏ mặc cảm và lấy lại tự tin trong cuộc sống.
Viết lên chuyện tình cổ tích cùng chàng trai Hà Nội
Anh Phạm Văn Tuyến (SN 1980) là bạn thân của anh họ chị Dung, cả hai tình cờ gặp nhau trong lúc anh Tuyến đóng quân gần nhà chị ở Sơn Tây. Thoạt đầu, anh chàng chỉ coi chị Dung như một người bạn. Thế nhưng, sau nhiều lần tiếp xúc, anh Tuyến dần nảy sinh tình cảm với người con gái khiếm thị.
Tuy nhiên, chị Dung luôn trốn tránh tình cảm của anh Tuyến vì nghĩ rằng bản thân chỉ phù hợp với một người khuyết tật tay hoặc chân, nhưng có đôi mắt tinh tường để nương tựa vào nhau. “Tôi chưa từng mơ tới chuyện có ngày, mình được một người đàn ông bình thường để mắt đến, thậm chí còn nói lời tỏ tình”, chị Dung bồi hồi nhớ lại.
Có lẽ chính tấm chân tình mà anh Tuyến dành cho chị Dung đã khiến chị cảm động và tin tưởng vào tình yêu của họ. Chuyện tình cổ tích này tiếp tục được thử thách bởi vấp phải sự phản đối từ phía gia đình chàng trai Hà Nội.
Sau 1 năm tạm xa nhau, cả hai vẫn cảm thấy không thể sống thiếu nhau nên đã bất chấp tất cả để bảo vệ tình yêu của mình. Theo đó, người đàn ông khỏe mạnh nguyện ở bên sẻ chia và chăm sóc cô gái khiếm thị suốt đời.
“Có những lúc vô cùng căng thẳng, gia đình buộc tôi phải lựa chọn. Nhưng cuối cùng, mưa dầm thấm lâu, tôi kiên trì giải thích và thuyết phục bố mẹ. Năm 2008, vợ chồng tôi kết hôn” – anh Tuyến cho hay.
Sau khi về chung một nhà, cặp đôi hạnh phúc chào đón quý tử đầu lòng cùng năm. Anh Tuyến không chỉ là trụ cột gia đình, mà còn đảm đương công việc nhà, phụ vợ chăm sóc con cái. Người đàn ông của gia đình này quyết định học lái xe để theo nghề và chuyển vào trung tâm Hà Nội làm việc.
Năm 2011, chị Dung hạ sinh thêm một công chúa đáng yêu. Vì muốn gia đình quây quần bên nhau nên anh động viên vợ mở trung tâm chăm sóc sức khỏe trong nội thành Hà Nội. 1 năm sau, chị Dung nghe chồng mua lại một cửa hàng sang nhượng tại phố Trương Định.
Hai vợ chồng cùng nhau tạo dựng Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Kim Dung, chuyên thực hiện vật lý trị liệu (tẩm quất gia truyền) cho người đau nhức xương khớp, thoát vị đĩa đệm,…
Theo đó, Trung tâm của chị không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm, chỗ ở cho nhiều người khiếm thị giống chị Dung với mức lương 50.000 đồng/1h.
Hiện tại, trung tâm của chị hoạt động ổn định, tiếp đón 35-40 khách/ ngày vào mùa hè và 20-30 khách/ngày vào mùa đông. Nhiều người khiếm thị học nghề và làm việc tại trung tâm của chị Dung cảm thấy tự tin hơn trong cuộc sống khi tự làm ra đồng tiền, nuôi sống bản thân. Hơn nữa, không ít người nuôi ước mơ mở một trung tâm cho riêng mình trong tương lai.