“Còn đêm nay nữa thôi là mai mẹ con gà phải khăn gói tạm biệt ông bà ngoại để về bên nội rồi. Sẽ chẳng còn ai bế con cho để kích sữa nữa, đêm cũng không còn cảnh ông bà thay nhau ru cháu để mẹ nó nằm cho khỏi đau lưng”.
Theo văn hóa ở một số địa phương, sau khi sinh xong được tròn tháng, sản phụ cùng em bé sẽ về nhà ngoại để ở cữ một thời gian cho gia đình bên ngoại tiện chăm sóc. Đây là khoảng thời gian được rất nhiều bà mẹ mong chờ, phần vì đi lấy chồng xa, ai cũng mong có dịp được về với bố mẹ lâu lâu. Phần vì sau khi sinh xong, sản phụ sức khỏe yếu, tinh thần cũng yếu đuối, mỏng manh, dễ tủi thân và rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người thân. Hơn ai hết, bố mẹ ruột chính là những người biết cách yêu thương và hiểu con gái đang cần gì nhất.
Tuy nhiên, những tháng ngày ở cữ nhà ngoại kết thúc cũng là khi cả sản phụ và bố mẹ đều phải đối diện với những cảm giác nhớ nhung, tủi thân. Ai cũng vậy thôi, được gần bố gần mẹ một thời gian rồi lại phải xa, ông bà đang chăm cháu mỗi ngày giờ cháu đi cũng không tránh khỏi những cảm xúc hụt hẫng. Bởi vậy, không ít chị em rất sợ cảm giác đêm cuối ở cữ nhà ngoại.
Chị Yến Hoa (30 tuổi, Hà Nội) cũng từng rơi vào tâm trạng đó và có những dòng tâm sự vô cùng xúc động trong đêm cuối ở cữ nhà ngoại: “Còn đêm nay nữa thôi là mai mẹ con gà phải khăn gói tạm biệt ông bà ngoại để về bên nội rồi. Sẽ chẳng còn ai bế con cho để kích sữa nữa, đêm cũng không còn cảnh ông bà thay nhau ru cháu để mẹ nó nằm cho khỏi đau lưng vì đẻ xong người yếu lắm, như con cua lột.
Chẳng được ăn những món ăn ngon mà mẹ nó thích bà ngoại nấu nữa. Sữa mới kích được từ 30ml lên 120ml thôi, công trình xây dở biết làm sao đây. Hôm qua ông ngoại gà vừa bế gà vừa nói chuyện: “Còn mai nữa thôi là tạm biệt rồi, ông nhớ con lắm nhưng mẹ con phải tự lập thôi”. Đang ngồi hút sữa nghe ông nói thế mà oà khóc.
Về nhà ông bà lúc nào cũng coi mẹ còn bé bỏng. Mẹ gà vất vả 4 năm lấy chồng mới có được gà, mẹ con bế nhau đi trong nhà ông cũng dặn bế khéo không ngã, coi mẹ với gà như 2 đứa trẻ con bế nhau. Tắm cho cháu thì bà lo nước, ông lo khăn tắm rồi cầm cái đo nhiệt độ bấm bấm kiểm tra không sợ nước lạnh quá ốm cháu. Đi tiêm phòng cả ông bà cũng đưa gà đi, ông ôm chặt cho cô y tá tiêm rồi dỗ gà nằm ngủ trong tay ông ngon lành.
Ông bà ngoại cưng cháu như trứng mỏng.
Trước hôm đón mẹ con gà về, ông ngoại ngày nào cũng gọi điện bảo ông bà dọn dẹp phòng cho mẹ con Chíp rồi nha, về nhanh ông bà thương. Mai đi rồi cái phòng cũng trống trơn, không còn tiếng bà mỗi sáng cười đùa tập thể dục rửa mặt cho gà con, không còn tiếng ông vỗ về cháu yêu của ông đây mà.
Cái giường mọi ngày la liệt khăn sữa tã bỉm của 2 mẹ con rồi cũng không còn gì nữa. Ông bà không có con trai, mai đi rồi ông bà lại lủi thủi với cụ, nhà lại vắng tiếng mẹ con cười đùa.
Giờ nằm ôm con ngủ mà cứ khóc thôi, bao nhiêu tình cảm giữ trong lòng nhưng chưa bao giờ nói với bố mẹ. Bên bố mẹ con lúc nào cũng là trẻ con thôi. Kiếp sau mong cho ông bà được làm ông bà nội”.
Chị Yến Hoa (sinh năm 1990) quê ở Thái Bình lấy chồng Hà Nội. Chị Hoa kể, chị và ông xã khó khăn đường con cái, chạy chữa khắp nơi mãi 4 năm mới có được bé lớn (tên ở nhà là Chíp). Ông bà ngoại thương con nên cũng hỗ trợ cho vợ chồng chị rất nhiều về vật chất lẫn tinh thần. Sau khi sinh con, chị Hoa ở nhà nội một tháng rồi về ngoại ở cữ được 56 ngày. Đối với chị, 56 ngày đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời.
Thực ra đây là chia sẻ của chị Yến Hoa trong đêm cuối ở cữ nhà ngoại cách đây đã 3 năm, khi chị sinh bé lớn. Còn hiện tại, bé Chíp đã 3 tuổi và vừa có em trai được tròn 1 tháng. Tuy nhiên, những cảm xúc buồn bã, nhớ nhung, trăn trở của chị Hoa từ 3 năm trước vẫn được các trang mạng xã hội, các mẹ bỉm sữa chia sẻ rất nhiều cho đến tận bây giờ.
Có lẽ nguyên nhân là bởi câu chuyện ấy, tình huống ấy, nỗi buồn ấy không của riêng chị Hoa, nó là nỗi niềm chung của rất nhiều chị em về ngoại ở cữ, ai đọc xong cũng tưởng như đang đọc câu chuyện của chính mình. Đêm cuối trước khi khăn gói về nội, ai cũng chung một tâm trạng như thế. Ai lấy chồng xa, ai đã làm mẹ đọc những dòng này mà quặn thắt tâm can, thương bố mẹ, thương chính bản thân mình mà không làm sao được.
Thế mới thấy câu nói “con dù lớn vẫn là con của mẹ” thật đúng làm sao, dẫu đã trưởng thành, dẫu đã làm mẹ thì chúng ta vẫn luôn thật bé bỏng trong vòng tay của bố mẹ, mỗi phút giây được ở bên đều đáng trân trọng biết bao.