Hải Phòng : Quản lý việc sử dụng thiết bị bay không người lái: Vừa giám sát chặt, vừa tăng cường hướng dẫn

Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) thành phố tích cực phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng thiết bị bay không người lái khi chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền; đồng thời tăng cường tuyên truyền hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Dễ mua, dễ bay

Anh Đỗ Thành Trung, thành viên CLB Máy bay mô hình Hải Phòng chia sẻ: “CLB có khoảng 20 thành viên chung niềm đam mê máy bay mô hình. Để được thỏa sức bay lượn trên bầu trời, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quản lý, giám sát đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Trước hết, chúng tôi xin phép cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng để được cấp phép bay theo ngày, tháng, giờ ấn định. Tiếp đó, xin phép đơn vị quản lý sân bay Kiến An để được phép bay. Nếu sân bay Kiến An có hoạt động thì phải hủy. CLB thường tổ chức bay vào chủ nhật hằng tuần”.

Thực tế cho thấy, số người tuân thủ quy định như anh Đỗ Thành Trung không nhiều. Bởi do đặc điểm gọn nhẹ, dễ vận chuyển, dễ điều khiển, dễ chế tạo, lắp ráp, sử dụng, giá thành rẻ nên tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ cũng đang bị lạm dụng. Hiện, phần đông những người sử dụng flycam (thiết bị bay điều khiển từ xa có chức năng chụp ảnh, quay phim) thường không phép và sử dụng “tiểu xảo” để bay. Theo anh Nguyễn Hồng Phong, người thường sử dụng flycam, để “bay” được có nhiều cách. Chẳng hạn, sử dụng thiết bị cũ không cập nhật phần mềm để không bị giới hạn tần số, tắt GPS, điểu khiển ở chế độ cơ học… Cũng theo anh Phong, người sử dụng flycam có nhiều mục đích, người khám phá góc nhìn mới, người để chụp ảnh, quay phim làm tư liệu…, nhưng ít người có giấy phép bởi thời gian bay thường chỉ từ 5 đến 10 phút, trong khi xin phép có khi mất cả tuần mà đến lúc được bay thời tiết lại không đẹp.

Trung tá Phạm Xuân Trưởng, Trưởng Ban Phòng không (Bộ CHQS thành phố) thông tin, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị bay không người lái, với nhiều mục đích khác nhau, các hoạt động bay thường mang tính tự phát, chủ yếu từ nhu cầu cá nhân. Do chưa hiểu rõ các quy định về quản lý các hoạt động của thiết bị bay không người lái nên nhiều cá nhân không xin cấp phép cơ quan chức năng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý một số trường hợp vi phạm về sử dụng thiết bị bay không người lái chưa đăng ký, chưa được cấp phép hoạt động. Điển hình, ngày 5-6-2019, Lữ đoàn 131-HQ phát hiện anh P.V. B, ở thôn Hoàng Mai, xã Đồng Thái (huyện An Dương) điều khiển flycam bay trên khu vực doanh trại đơn vị quản lý. Lữ đoàn cử cán bộ truy tìm phương tiện, người điều khiển, yêu cầu hạ cánh, đồng thời thông báo tới Ban CHQS huyện và Công an huyện An Dương tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định. Qua vụ việc trên cho thấy, việc sử dụng trái phép các thiết bị tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không… Nghiêm trọng hơn, nếu các phần tử xấu lợi dụng thiết bay làm công cụ thực hiện các hành vi phá hoại sẽ gây hậu quả khó lường.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Phó tham mưu trưởng, Bộ CHQS thành phố cho biết: Trên cơ sở Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28-3-2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, Bộ CHQS thành phố tham mưu UBND thành phố ban hành các chỉ thị về quản lý các phương tiện bay, trong đó có Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 25-4-2017 về việc tăng cường quản lý các thiết bị bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan làm tốt công tác rà soát, giám sát, quản lý các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thực tiễn cũng cho thấy, quy định của Nghị định 36/2008/NĐ-CP bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn đối với cả người sử dụng lẫn cơ quan chức năng trong việc quản lý. Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh phải có đơn gửi đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay… Mặt khác, mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho 1 lần bay. Theo ý kiến của nhiều người, sở dĩ họ ngại đi xin giấy phép bay cũng là do thủ tục quá phức tạp, thời gian chờ đợi để được giải quyết lâu, trong khi đó thời gian sử dụng rất ngắn, có nhiều sự kiện, cảnh vật,… cần sử dụng phương tiện gấp để nắm bắt, ghi nhận kịp thời. Bên cạnh đó, chế tài xử lý các hành vi bay trái phép còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên nhiều người “bỏ qua” việc xin phép. “Để công tác quản lý, giám sát thiết bị bay không người lái trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả cao, cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, nhất là vai trò quản lý, giám sát của cơ quan quân sự cấp quận, huyện, xã, phường và thị trấn; tích cực tuyên truyền đến nhân dân, các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp… chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Từ đó, phát huy được công năng của các thiết bị bay không người lái trong cuộc sống, góp phần hạn chế tối đa các nguy cơ đe dọa đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn thành phố” – trung tá Phạm Xuân Trường bày tỏ.

Từ năm 2019, Bộ CHQS thành phố hướng dẫn, đăng ký cho 17 tổ chức, 16 cá nhân, khai thác sử dụng thiết bị bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ như: Dù kéo, Flycam, M94, M96, Mô hình máy bay … trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, đơn vị hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký, tham gia Câu lạc bộ Hàng không và khi có nhu cầu phải làm thủ tục cấp phép bay cũng như bay theo đúng quy định.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *