Tư thế ngược đời, Hiệu trưởng khúm núm phát biểu trước Tân Hoa hậu: Chua chát hình ảnh người thầy

Hiệu trưởng trường Đại học phải đứng với dáng vẻ khúm núm, cung kính khi nói chuyện trước Tân Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà là hình ảnh khiến nhiều người lắc đầu khó hiểu, thậm chí là ngao ngán.

Hoa hậu sau đăng quang sẽ sắp xếp một buổi về thăm trường dường như là một “nghi thức” thường thấy. Nó thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo bởi vì một cô gái có xinh đẹp, sắp tới có đương nhiệm vai trò cao cả của một Tân Hoa hậu nhưng gốc rễ vẫn là nhờ sự giáo dục ân cần, tử tế từ gia đình đến nhà trường.

Tân Hoa hậu trong ngày về thăm trường và gặp gỡ Ban Giám hiệu. (Ảnh chụp màn hình báo Tiền phong)

Chuyện này chẳng có gì xấu, thậm chí nếu nhìn tích cực còn thấy giá trị nhân văn nhưng ngặt nỗi mới đây truyền thông lại xuất hiện loạt ảnh Tân Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà về thăm trường Đại học Kinh tế Quốc dân nơi cô đang theo học và gây khá nhiều bàn cãi. Trong ảnh, cô gái 19 tuổi trong tà áo dài vàng nổi bật cùng vương miện tiền tỷ đắt giá đang ngồi rất uy nghi trên ghế và bên dưới là Ban giám hiệu, thầy cô trong trường. Ngay từ đầu, chiếc ghế của Tân Hoa hậu ngồi đã không đúng vị trí. Có ai ngờ, một chiếc vương miện có thể mang cô gái 19 tuổi ngồi ngang hàng Hiệu trưởng và bên trên các thầy cô giáo đang lắng nghe phía dưới.

Điều này đã có gì sai sai khó hiểu vì một sinh viên, một cô gái 19 tuổi có lẽ đang ngồi sai vị trí. Tuy nhiên, đỉnh điểm là khoảnh khắc PGS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu trong tư thế khúm núm, như thể đang báo cáo trước người chủ trì phiên họp là cô sinh viên hằng ngày của mình.

Tân Hoa hậu bật khóc trong ngày về thăm trường. (Ảnh Internet)

Thường thấy, học sinh sinh viên kính cẩn trước giáo viên như một nét đẹp trong truyền thống “tôn sư trọng đạo” nhưng đằng này là một Hiệu trưởng khép nép khi đứng phát biểu trước một cô nữ sinh 19 tuổi. Điều này khiến người ta phải buồn lòng khi nhìn vào giáo dục hiện nay. Xét về tuổi đời, cho đến hiểu biết, học thức thì thầy hơn bao nhiêu lần so với cô gái 19 tuổi ngồi trước mình. Tư thế khúm núm trước nữ sinh không chỉ là dáng vẻ bên ngoài mà còn biểu hiện tâm thế bên trong. Tất cả đều như là một màn “sao đổi ngôi” đầy éo le trái ngang và thậm chí thành trò cười cho dư luận khi nhìn vào.

Cội rễ của giáo dục là dạy bảo, hướng con người đến chân – thiện – mỹ, biết kính trên nhường dưới nhưng vẫn dám nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Đằng này, mọi thứ có vẻ được lập trình và người ngồi vào “set quay” như robot, từ Hiệu trưởng, thầy cô cho đến Tân Hoa hậu 19 tuổi để diễn xong “vở tuồng” ngày về thăm trường. Những giá trị vốn thiêng về đạo đức truyền thống lại dễ bị lãng quên hay gạt qua. Nhưng rõ ràng, hậu quả gây ra cảnh dở khóc dở cười, thậm chí phản cảm trong mắt dư luận.

Một cô giáo ở An Giang bị chỉ trích vì cho rằng “chửi xéo” học sinh. (Ảnh Internet)

Mọi người hay bảo, nếu không muốn bị chê trách thì đừng tự làm xấu mình. Nhưng rõ ràng, một bộ phận những người trong ngành giáo dục đang tự hạ thấp hình ảnh chính mình nói riêng và toàn ngành nói chung. Chỉ mới vài ngày trước, một cô giáo ở An Giang lên mạng chia sẻ bóng gió khi học sinh của mình quá uất ức đến mức phải uống thuốc tìm giải thoát. Người ta chỉ trích cô quá tàn nhẫn, buông lời quá vô cảm khi cô gái trẻ kia là học trò của mình.

Theo truyền thống, tư thế của người thầy người cô khi đứng trên bục giảng hay trước mặt học sinh là nên giữ uy nghiêm của mình nhưng vẫn sâu sát quan tâm để thấu hiểu từng gương mặt non nớt phía dưới. Đằng này, một bên thì kính cẩn, khép nép như báo cáo trước đại biểu, một bên thì hắt sự vô cảm, trách móc vào chính học sinh do mình dạy dỗ. Thế có phải “con sâu làm rầu nồi canh” hay không, dù biết rằng những cá nhân khác vẫn đang âm thầm nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ “đưa đò” cao cả của mình.

Nhìn vào, có người cho rằng không thể trách Tân Hoa hậu vì mọi thứ đều phải làm theo sắp đặt của ekip. Nhìn cô ngồi ung dung, miệng mỉm cười, đầu thỉnh thoảng gật gật nhưng đằng sau là hàng chục, hàng trăm người “giật dây” điều khiển. Ngặt nỗi, dù thế nào cũng phải có chính kiến. Nếu do quá non nớt, chỉ 19 tuổi nên cô không thể lường trước vụ việc gây tranh cãi thì mong rằng đây sẽ là bài học đắt giá, không chỉ có giá trị trong thời gian đương nhiệm mà cả sau này. Đừng chỉ là một bình hoa di động, ai đặt đâu ngồi im đấy sẽ nhạt nhẽo, dễ bị lãng quên lắm.

Có lẽ, vị trí của cô gái 19 tuổi trong ngày về thăm trường nên ở một hội trường cùng sinh viên để lan tỏa nghị lực hay chia sẻ niềm vui đăng quang. Còn nếu Ban giám hiệu nhà trường muốn tiếp đón long trọng cũng phải chú ý đến vị trí để không gây cảnh ngược đời, đảo lộn hết các giá trị truyền thống. Hoặc giả dụ, Tân Hoa hậu có ngồi ngang hàng với Hiệu trưởng và các thầy cô giáo là cũng để bàn bạc, trao đổi khi cô đứng ra hoặc đại diện doanh nghiệp hỗ trợ cho sinh viên, nhà trường. Khi ấy là một vai trò khác, còn giờ chỉ là thăm trường và xúc động cảm ơn bố mẹ cơ cực nuôi nấng nên người có cần phải “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” thế không?!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *