Thuỷ Tiên phải bồi hoàn cho MTQ nếu không làm rõ tiền chênh lệch: Có thể dính đến hình sự

Theo quy định pháp luật, nếu không thể chứng minh chênh lệch tiền từ thiện sau khi cứu trợ các tỉnh miền Trung, Thuỷ Tiên sẽ phải bồi hoàn toàn bộ tiền quyên góp theo yêu cầu của mạnh thường quân.

Được biết, sau khi nhận loạt đơn tố cáo của mạnh thường quân (MTQ) nghi ngờ Thuỷ Tiên khuất tất khi giải ngân số tiền 178 tỷ cứu trợ miền Trung cuối năm 2020, phòng PC02 đã tiến hành điều tra và thu thập các chứng cứ liên quan đến vụ việc này. Tuy nhiên trong suốt quá trình liên hệ với các địa phương nhận tiền hỗ trợ, chỉ có một vài nơi xác nhận rõ số tiền từ thiện và khớp với sao kê vợ chồng Thuỷ Tiên đã công bố trước đó. Còn lại phần lớn các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi….lại không thể đưa ra con số chính xác, chỉ xác nhận nữ ca sĩ có đến hỗ trợ bà con, còn quá trình phân phát như thế nào thì không rõ.

Theo đó, nguyên nhân gây ra sự khó khăn trong việc đối chứng quỹ quyên góp 178 tỷ là vì trong suốt quá trình làm từ thiện, Thủy Tiên và Công Vinh đã tự phát tiền cho người dân mà không thông qua UBMTTQ tỉnh hay Ban Dân vận tỉnh. Việc làm tự phát còn không có kế toán đi theo thống kê khiến việc kiểm kê số tiền hàng trăm tỷ không hề dễ dàng chút nào.

Bàn về câu chuyện này dựa trên góc nhìn của luật pháp, mới đây Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng Thuỷ Tiên có thể phải bồi hoàn cho MTQ nếu không thể chứng minh rõ số chênh lệch từ thiện: “Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp không chứng minh được số tiền chênh lệch đã phân phát và số tiền các mạnh thường quân đã đóng góp thì người đứng ra kêu gọi từ thiện có trách nhiệm bồi hoàn lại số tiền đó cho những người đã đóng góp”.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho biết thêm rằng nếu trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu gian dối nào của nữ ca sĩ trong việc kêu gọi quyên góp từ thiện với mục đích chiếm dụng tài sản bất hợp pháp, Thuỷ Tiên phải bồi hoàn tiền cho MTQ cộng thêm bị truy tố trách nhiệm hình sự. Cụ thể theo quy định pháp luật, chiếm đoạt số tiền từ 4 triệu đồng trở lên là đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một cá nhân hoặc một tổ chức gồm nhiều người vi phạm.

“Số tiền gần 200 tỷ đồng là rất lớn, nếu thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng và của những người đã quyên góp tiền trong quá trình quản lý, phân phát tiền thì cám dỗ hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu không làm chủ được bản thân, không có cái tâm từ bi rất lớn thì sai phạm là khó tránh. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ và có kết luận để quyết định giải quyết theo quy định của pháp luật”, Tiến sĩ Đặng Văn Cường chia sẻ rõ về trường hợp của vợ chồng Thuỷ Tiên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *