Ngắm nhà đá ong tuyệt đẹp ven sông Đáy của cặp vợ chồng Hà Nội

Ngôi nhà ven sông Đáy không chỉ là nơi những người con xa quê trở về bên cha mẹ mà còn là nơi họ tìm lại những mảnh kí ức tuổi thơ tưởng chừng đã đi xa.

“Ngôi nhà ven sông Đáy” nằm tại vùng quê Ứng Hòa, Hà Nội. Đây cũng là một trong những vùng nông thôn đang chịu tác động của quá trình đô thị hóa, dần mất đi bản sắc truyền thông trong kiến trúc nhà ở.

Theo chia sẻ của gia chủ, ngôi nhà cũ trước đây được cha mẹ họ tự tay đóng gạch xỉ xây thành, nằm lọt thỏm giữa bãi mía, nương dâu.

Sau bao lần sửa chữa, ngôi nhà vẫn sập xệ, không chống chọi nổi với những trận mưa đá, ngập lụt của vùng ven sông. Nhiều năm sau này, khi đã trưởng thành, những người con trở về với ước nguyện xây ngôi nhà để cha mẹ an dưỡng tuổi già.

Từ mong muốn của gia chủ, KTS chính Bùi Anh Phú Ninh muốn tạo nên một công trình mang giá trị cốt lõi “nếp nhà”, “gia tộc”, gắn liền với bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ngôi nhà nằm trên mảnh đất có diện tích gần 500m2 ven sông Đáy. Khu vực này giao thông không quá thuận lợi, cũng không sở hữu cảnh quan sông nước. Bao quanh ngôi nhà là nhiều hình thái kiến trúc tự phát, không còn giữ được bản sắc truyền thống.

Ngôi nhà được thiết kế với 2,5 tầng cao và 1 tầng hầm

Công trình được bố trí quay về hướng Nam để phù hợp với điều kiện khí hậu. Hàng hiên cùng hệ cột là không gian đệm chuyển tiếp giữa trong và ngoài, giữa đóng và mở.

Phía trước nhà là khoảng sân rộng – hình ảnh quen thuộc trong những ngôi nhà nông thôn truyền thống. Trước đây, khoảng sân là nơi phơi thóc, phơi ngô, những sản phẩm nông nghiệp. Ngày nay, khoảng sân là không gian sinh hoạt chung ngoài trời lý tưởng, giúp kết nối các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với làng xóm.

Phía sau nhà là vườn cây lâu năm. Vườn cây vừa giúp chắn nắng khu vực hướng Tây cho ngôi nhà vừa tạo ra không gian sinh thái xanh giá trị.

Bước qua hàng hiên là một không gian tôn nghiêm – khu vực thờ cúng. Khu vực này được cách điệu hoàn toàn về mặt tỷ lệ. Không gian thông lên tầng 2 khiến khu vực này trở nên trang trọng hơn, tôn nghiêm hơn.

Diện mặt đứng của ngôi nhà được thiết kế bằng các tấm cửa lớn liên thông hai tầng, trang trí bằng những họa tiết hoa văn đặc trưng trong văn hóa Việt, tạo nên sự khác biệt lớn so với hình ảnh của mái nhà cổ truyền. Bên trong nhà là một không gian hoàn toàn hiện đại phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của gia chủ.

Vật liệu độc đáo tạo nên ngôi nhà là đá ong – loại đá có màu đỏ nâu, ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè.

Bên cạnh vật liệu truyền thống, ngôi nhà được các KTS kết hợp vật liệu hiện đại một cách hài hòa, hiệu quả. Họ sử dựng tấm cemboard – một dạng bê tông nhẹ, có giá thành thấp và độ bền cao để ứng dụng vào toàn bộ hệ cửa vỏ.


Tổng thể chức năng và hình thức công trình mang đến một vẻ ngoài Á Đông với nếp nhà nhà ba gian, phân định bằng các cột hiên và hệ vách lớn được trang trí họa tiết tỉ mỉ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *