Vì sao ‘Happy New Year’ (ABBA) bị cả thế giới ‘tránh nghe’ nhưng lại được người Việt yêu thích mỗi dịp năm mới?

Nếu nghĩ rằng ”Happy New Year” là ca khúc năm mới nổi tiếng nhất trên thế giới thì bạn đã lầm.

Hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, trong không khí háo hức chào đón năm mới, bạn sẽ dễ dàng nhận ra giai điệu Happy New Year được bật ở khắp mọi nơi. Ở Việt Nam, bài hát này dường như đã trở thành bất hủ, không thể thiếu trong mỗi ngày Tết, thậm chí một đứa trẻ cũng thuộc lòng dù không hiểu nội dung là gì.

Happy New Year

vốn là ca khúc nhỏ nằm trong album phòng thu thứ 7 mang tựa đề Super Trouper của nhóm nhạc huyền thoại ABBA. Từ 1975, ABBA chính là ‘‘ông hoàng” của thể loại nhạc Disco với những siêu phẩm như Mamma Mia, Dancing Queen, Gimme! Gimme! Gimme! … Những ngôi sao thế hệ trước như Cher, Madonna, những cái tên vĩ đại nhất cũng chịu sự ảnh hưởng từ họ.

Thế nhưng, ít ai biết rằng thời điểm Happy New Year ra đời lại là một cột mốc không mấy vui vẻ đối với ABBA và người hâm mộ. Bởi lẽ, đây cũng chính là giai đoạn chuẩn bị tan rã của nhóm. Chỉ một thời gian ngắn sau khi album Supper Trouper được ra mắt, thì hai cặp đôi của ABBA là Björn Ulvaeus – Agnetha Fältskog và Benny – Anni-Frid đi đến cái kết tan vỡ trong hôn nhân, dẫn đến tình cảnh không thể tiếp tục đồng hành trên con đường âm nhạc của bộ tứ một thời.

Sở hữu giai điệu nhẹ nhàng, da diết, khiến lòng ai cũng nao nao một cảm xúc khó tả, thế nhưng, lời bài hát của Happy New Year lại buồn và ảm đạm vô cùng. Giọng hát ngọt như kẹo của Agnetha mở đầu bài hát bằng câu: “No more champagne. And the fireworks are through. Here we are, me and you. Feeling lost and feeling blue. It’s the end of the party. And the morning seems so grey. So unlike yesterday…”(tạm dịch: ‘Rượu đã cạn. Và pháo hoa cũng tắt. Chỉ còn mình anh và em ở đây. Cảm thấy lạc lõng và buồn bã. Tiệc đã tàn. Và bình minh sao ảm đạm quá. Không giống như ngày hôm qua’).

Khung cảnh ảm đạm sau khi tàn tiệc được mô tả trọn vẹn qua từng câu chữ.

Vốn dĩ, ca khúc này ra đời là lời tâm sự về một thời đại đầy biến động đã qua, như một bản tổng kết, phản ánh đúng một thập niên tồi tệ của thế giới do chiến tranh gây ra. Đây chính là lúc thế giới bước qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng với hàng loạt điều tồi tệ như chiến tranh ở Việt Nam, Trung Đông hay nạn diệt chủng Polpot.


Điển hình như những câu hát sau ở đoạn 2, có thể cho bạn thấy rõ được tinh thần đó: “Đôi khi lòng tự thấy, thế giới này can đảm biết bao. Khi vẫn vươn mình ngày một phồn vinh, tại chính điểm tro tàn của cuộc đời. Ừ phải, loài người thật khờ dại, khi cứ nghĩ mọi chuyện rồi sẽ ổn cả. Mãi lê những bước chân lạc lối, mà đâu biết rằng mình đang sa vào con đường lầm lỡ. Cứ vẫn mãi tiếp tục tiến bước…”


Truyền tải nội dung u buồn, lại sở hữu giai điệu chậm rãi, không mấy vui tươi nên ‘Happy New Year’ thường không được ưa chuộng ở các quốc gia Anh, Mỹ hay Úc. Thực ra, bài dân ca ‘Auld Lang Syne’ của Scotland mới là ca khúc được phát nhiều nhất vào đêm Giao thừa.


‘Bà hoàng’ nhạc Giáng sinh Mariah Carey cũng từng cover rất thành công ca khúc này.

Dù vậy, cho tới hiện tại, Happy New Year vẫn là một ca khúc mừng Tết quốc dân của Việt Nam ta. Nhiều thập kỉ trôi qua, giai điệu của bài hát này như đã ‘ăn sâu’ vào nếp sống của một vài hộ gia đình ở Việt Nam. Và dù lời nhạc có mang vẻ ảm đạm thì ta vẫn không thể phủ nhận rằng, giai điệu của nó chính là cảm xúc của những người đang thổn thức muốn kết thúc năm cũ, đón năm mới. Có lẽ chính vì vậy mà người Việt vẫn hạnh phúc và cảm thấy ấm lòng khi lắng nghe giai điệu thân thuộc này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *