Không cấm sinh con thứ 3, khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi

Trong bối cảnh hiện nay, thông điệp mới của ngành dân số là khuyến khích “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” để đảm bảo sự phát triển xã hội, khuyến khích nam nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi.

Sáng 11/11, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thuộc Bộ Y tế đã có buổi hội thảo về Định hướng mới của Chương trình Dân số Việt Nam.

Phát biểu tại buổi hội thảo này, ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số cho biết các văn bản, quy định của Nhà nước không cấm người dân sinh con thứ 3 nhưng nêu gương đảng viên trong việc thực hiện các quy định về dân số.

Theo ông Sơn, hiện công tác tuyên truyền, vận động chính sách dân số được thực hiện theo hướng sinh đủ 2 con ở những vùng có mức sinh thấp và giảm sinh ở vùng có mức sinh cao.

.

Đại diện Vụ Quy mô dân số cũng thông tin, thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con” hiện đã không còn phù hợp.

“Trong bối cảnh hiện nay, thông điệp mới của ngành dân số là khuyến khích “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” để đảm bảo sự phát triển xã hội, khuyến khích nam nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi…”

Theo đại diện Tổng cục Dân số – KHHGĐ cũng cho biết Việt Nam vẫn đang có chênh lệch mức sinh rất cao.

Cụ thể, có 33 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có mức sinh cao (mức sinh > 2,2 con), chiếm 42% quy mô dân số. Đây hầu hết là các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên. 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (mức sinh < 2,0 con), chiếm 39% quy mô dân số. Tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng nói, mức sinh ở TP HCM ở nhóm thấp nhất cả nước, mức sinh chỉ khoảng 1,39 con.

Nguyên nhân của tình trạng này là do mức sinh thấp, xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao; tỉ lệ đô thị hóa và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh…

Đề xuất bãi bỏ mục tiêu giảm sinh

Còn theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – KHHGĐ (Bộ Y tế), với 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; 33 tỉnh, thành phố thuộc diện mức sinh cao và 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế, tới đây Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các quy định công tác dân số – KHHGĐ đảm bảo thực hiện điều chỉnh đúng với đặc thù của địa phương mình.

Để giải quyết bài toán khó khăn trong việc nâng mức sinh tại những vùng có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số – KHHGĐ sẽ triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ 2 con.

Tổng cục Dân số – KHHGĐ cũng đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ 2 con tại địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *