Con dâu bỏ việc, bán đất để cứu mẹ chồng bị uหg thư

Khi mẹ bạn trai nhất định không phẫu thuật ung thư vú, chị Kim Long nói “thế thì con sẽ không thương anh Nhân nữa”, rồi thuyết phục bà đổi ý.

10h trưa một ngày cuối tháng 8, trước cửa tiệm cơm từ thiện của vợ chồng chị Vương Kim Long (32 tuổi) và anh Hoàng Nhân (31 tuổi) tại quận 11, đã có một hàng dài người đeo khẩu trang đứng đợi nhận bánh mỳ miễn phí. Nắng như đổ lửa, mồ hôi ướt sũng, nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn liên tục xếp bánh, hai tay trao cho khách.

Khi những chị bán vé số, hàng rong, chú xe ôm rối rít cảm ơn, đôi mắt chị Long ánh lên những tia lấp lánh vì chị hiểu họ hạnh phúc thế nào bởi 9 năm trước, trong thời gian chăm mẹ chồng ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM, Kim Long cũng là một trong những người đứng xếp hàng nhận đồ ăn từ thiện như thế.

Kim Long và Hoàng Nhân yêu nhau từ khi học chung lớp ở một trường nghề. Nhưng sóng gió đã đến sau ba năm yêu thương. Một buổi tối cuối năm 2011, Kim Long nhận được cuộc gọi của Hoàng Nhân báo tin mẹ anh bị chẩn đoán u.ng thư vú. Cô gái 21 tuổi lặng đi trong giây lát, thấy trong lòng đau nhói, tuổi thơ nhiều nước mắt như thước phim quay chậm lần lượt trở về. Cô cũng mất cha vì u.ng thư khi vừa lên 6 tuổi. Má phải gửi hai chị em Long nhờ dì ruột chăm sóc.

“Hơn ai hết, tui hiểu cảm giác phải xa người thân thế nào. Nếu má bệnh rồi qua đời, anh Nhân sẽ suy sụp lắm”, Kim Long thầm nghĩ. Chị an ủi bạn trai “bình tĩnh chờ kết quả”, nhưng đêm đó cũng bồn chồn không ngủ.

Sáng hôm sau, ở bệnh viện U.ng Bướu TP HCM, bà Nguyễn Kim Hương (mẹ Hoàng Nhân) được xác nhận đã bị u.ng thư. Sốc và suy sụp, bà ngã xe trên đường từ bệnh viện về nhà.

Bà Kim Hương biết nếu muốn kiềm chế sự phát triển của khối u, kéo dài thời gian sống thì phải phẫu thuật, chi phí ước tính khoảng 120 triệu đồng. Có điều, tỷ lệ thành công của ca mổ và cơ hội sống sót không ai nói trước được. Cả đời gồng gánh bán buôn, bà dành dụm được 200 triệu đồng tiền mặt.

Nghĩ mình trước sau cũng chết, bà quyết định không phẫu thuật mà để tiền cho đứa con duy nhất. Người thân khuyên can nhưng bà không nghe mà nhất mực làm theo ý mình.

Một lần, bà cầm tay Kim Long nói: “Bác nhờ con thay bác thương thằng Nhân”. Cô gái trẻ trả lời: “Nếu bác không phẫu thuật thì con không thương anh Nhân nữa đâu. Chúng con cần là cần một người mẹ, không phải tiền. Tiền thì kiếm lại được chứ mẹ thì chỉ có một thôi”.

Sau câu nói đó, bà Hương mới chịu đi phẫu thuật. Kim Long hứa sẽ chăm sóc bà trong những ngày nằm viện.

Đúng như lời hứa, từ những ngày sau đó, cứ 5h sáng mỗi ngày, chị Kim Long chạy xe máy đến nhà bạn trai, chở mẹ anh đến bệnh viện. Trời Sài Gòn nắng rát da, buổi trưa chị lại đèo bà Hương về nghỉ ngơi, chiều đưa đi tiếp.

Nhưng những vất vả khi chăm sóc người bệnh, cô gái trẻ không lường hết được. Ngoài u.ng thư, mẹ Nhân còn bị tiểu đường, cân nặng lên đến 70 kg, đi lại khó khăn. Chị cứ dìu bà lên xe lăn đẩy đến hết phòng nọ sang khoa kia, đứng đợi trong hàng dài chờ khám, lấy thuốc.

Đến ngày bà Hương phẫu thuật, Kim Long nghỉ luôn công việc nhân viên phục vụ ở một nhà hàng Nhật Bản để toàn tâm chăm sóc mẹ bạn trai, vì biết ca mổ quyết định chuyện sinh tử. Mẹ đẻ của chị không chỉ ủng hộ quyết định đó mà còn dặn con: “Nếu túng thì về má cho tiền tiêu, đừng lấy tiền của chị Hương. Chị bệnh, kinh tế khó khăn lắm”.

Suốt một tháng, Kim Long ở trong viện với bà Hương. Hàng ngày, chị vào căng tin mua cơm cho mẹ người yêu ăn, còn mình xếp hàng chờ nhận cơm từ thiện để đỡ tốn tiền. “Bạn bè chửi tui điên, sao tự nhiên mua dây buộc mình? Nhưng lúc đó, tui chỉ thấy thương bác, thương anh Nhân mà làm”, chị nhớ lại.

Còn bà Hương thì nhớ ngày đầu Kim Long về ra mắt, thấy cô gái mồm miệng nhanh nhau, hoạt bát, bà còn lo lắng, sợ con trai mình bị vợ bắt nạt. “Nhưng nhìn cách nó chăm lo cho mình, tui biết con trai không chọn lầm người. Ở viện ai cũng nói nó là con gái tui không hà”, bà kể.

Sợ mình ch.ết sớm, nhân dịp mẹ và dì ruột Kim Long đến thăm ở bệnh viện, bà Hương xin hỏi cưới cô con gái.

Kim Long nghe đến chuyện cưới xin thì sợ. Những người xung quanh cũng đều khuyên chị không nên kết hôn vì một gia đình có người u.ng thư sẽ phải điều trị lâu dài, tốn kém, trong khi nhà Nhân lại nghèo. “Hơn một tháng ròng rã chăm má anh ở bệnh viện, tui cũng đã quá mệt mỏi và chán nản. Tui nghĩ mình chỉ chăm ban ngày đã vất vả thế này, mai này cưới về sức đâu mà chịu”, cô gái phân vân.

Nghe con gái tâm sự, mẹ Kim Long, khuyên con cân nhắc ba điều: “Thứ nhất, giả sử má bị u.ng thư mà thằng Nhân bỏ con, con nghĩ sao? Thứ hai, nếu có người giàu có hơn đến với con, liệu người ta có thương con được như thằng Nhân thương con? Thứ ba, ở đời, có đức mặc sức mà ăn con ạ!”.

Kim Long như trút được gánh nặng trong lòng. Chị lập tức gọi điện cho bạn trai: “Anh nói với ba má đi, em chịu”.

Về làm vợ Hoàng Nhân, tuy cuộc sống khó khăn, nhưng Kim Long được gia đình chồng yêu thương. “Má đẻ hay rầy chứ má chồng chưa một lần la tui. Biết tui chưa đi làm nên túng, có lần má cho cả 3-4 triệu”, Kim Long nhớ lại.

Hào phóng với con, nhưng bà Hương keo kiệt với chính mình. Sau ca phẫu thuật, bác sĩ khuyên phải ăn uống đủ dinh dưỡng để bồi bổ sức khỏe. Nhưng thịt bò mua về, bà chọn miếng có gân ăn trước, dành miếng thăn cho chồng, con. Thấy mẹ ăn lâu, Kim Long mới lại gần và phát hiện sự việc. Cô con dâu nổi quạu: “Má làm vầy mà là thương tụi con sao. Má làm vầy là khiến tụi con mang tội. Tụi con còn khỏe, răng còn chắc, ăn gì chả được”. Biết tính mẹ, những lần sau, chị giành việc đi chợ, mua món ngon cho bà tẩm bổ.

Hết thuốc, bà Hương cũng không dám bảo với con mua. Chỉ đến khi Kim Long tự phát hiện, trách mẹ “thương như vậy là hại con”, bà mới chịu uống đều. “Má luôn chịu thiệt về mình để các con được sung sướng. Chính vì đức tính đó, tui càng thương bà hơn”, cô nói.

Có lần, thấy mẹ bị thấp khớp nhưng nằm chiếc đệm lò xo đã lõm sâu, chị đòi thay mới. “Má vẫn nằm được, con túng thì để tiền mà lo liệu việc khác”, bà Hương gàn con nhưng không được. Đúng lúc đó, bà chợt nhớ ra mình từng giấu hơn 25 triệu đồng trong nệm tiết kiệm.

“Không có con mua đệm mới cho má, chắc má cũng không còn nhớ đến nữa. Đến khi má chết, chắc các con cũng đốt thành tro”, bà xúc động nói.

Ca phẫu thuật u.ng thư vú thành công, nhưng sức khỏe bà Hương vẫn như đèn dầu trước gió. Người mẹ khiến cả nhà thấp thỏm vì bệnh thấp khớp, tiểu đường, cao huyết áp… Bà nhập viện như cơm bữa. Mỗi đợt nằm viện cũng tốn hơn chục triệu đồng.

Chị Kim Long đến tặng bánh bao chay miễn phí cho các bé tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM ngày 1/8/2020- nơi ngày xưa mẹ chồng chị từng điều trị. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tài sản trong nhà cứ thế đội nón ra đi. Kim Long mới sinh con nhỏ nên chưa thể đi làm lại. Những cuốc xe ôm của ba chồng và thu nhập của chồng chị không chống đỡ nổi.

Mẹ bệnh nặng, vài ngày lại có người đến đòi nợ, bất lực, Hoàng Nhân buồn bã, không nói không rằng. Anh luôn trách mình lấy Kim Long về khiến chị phải chịu khổ. “Khủng hoảng kinh tế” gia đình đến năm 2015, khi bà Hương bệnh tình ngày một nặng. Muốn cứu mẹ chồng nhưng chẳng thể vay mượn thêm, Kim Long về nhà mẹ đẻ xin bán mảnh đất ở quê.

Bà Thanh, mẹ đẻ Kim Long nhớ lại: “Nó nói với tui giờ không có tiền là má chồng nó ch.ết. Tui thương vợ chồng con gái, thương chị sui nên đồng ý bán”. Số tiền bán đất, bà trao toàn bộ cho con gái. Kim Long lấy tiền đó trang trải nợ nần, lo thuốc thang cho mẹ chồng.

Sau khi lo liệu hết mọi việc, chị mới thưa chuyện với bà Hương. Nghe xong, tim người mẹ như thắt lại. “Tui không thể ngờ con dâu và nhà chị sui sẵn lòng bán gia sản để cứu mình”, bà nói.

Chị Huỳnh Ngọc Diễm Hồng, 46 tuổi, hàng xóm nhà bà Hương cho biết, gia đình Long, Nhân là “hiếu thảo số 1” ở xóm. Chị Hồng nhiều lần chứng kiến cảnh Kim Long vừa bế vừa chăm hai đứa con nhỏ vừa lo cơm nước, tắm rửa cho mẹ chồng lúc bà ốm nặng. “Ở đây không ai không biết tấm lòng của vợ chồng nó. Má ốm, tụi nó cơm bưng, nước rót từng ly từng tí. Bà Hương bệnh nặng nhưng cũng vẫn là có phúc vì các con hiếu thảo, chứ nếu không chẳng biết có sống được đến giờ không nữa”, chị Diễm Hồng kể.

Các con, cháu yêu thương, vui vầy, lại uống thuốc điều độ, bệnh tình của bà Hương gần như không còn. Khi mắc bệnh, bà chỉ mong được nhìn thấy con trai lập gia đình, rồi lại ước được gặp mặt đứa cháu nội đầu tiên. Bây giờ, công việc hàng ngày của bà là chăm lo cho bé Bánh mỳ và Shushi hiếu động để vợ chồng Kim Long có thời gian làm từ thiện.

Chín năm trước, cùng Hoàng Nhân xếp hàng nhận cơm từ thiện, Kim Long bảo: “Em ước gì sau này mình cũng nấu cơm giúp đỡ nhiều người như thế”. Đầu năm nay, khi công việc kinh doanh của Hoàng Nhân khá lên, kinh tế đã vững vàng, họ quyết định mở quán ăn tùy tâm trong 8 tháng. Nhưng đến nay, thấy vẫn còn khả năng tài chính, họ quyết định vẫn tiếp tục duy trì bếp từ thiện.

Quán cơm chay đặt tại nhà, bán vào thứ 4, thứ 5, thứ 6 hàng tuần. Ngoài ra, vợ chồng chị phát cơm đến các bệnh viện, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật,…”Tui chỉ mong được trả lại những ân nghĩa người khác cho mình lúc khó khăn. Má tui nói đúng, có đức, mặc sức mà ăn”, mắt chị cười rạng rỡ.

Mùa Vu Lan năm nay, cũng như chín mùa Vu Lan trước, mỗi lần giúp chồng cài đóa hoa hồng đỏ tươi lên ngực, lòng Kim Long thấy lòng mình ấm áp lạ thường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *