Đuổi vợ con về ngoại, chồng giằng bát không cho con ăn nốt bữa cơm cuối cùng

Chào các mom, em vừa nói quyết định ly hôn xong thì chồng em đuổi ngay 2 mẹ con em về nhà ngoại với thái độ hậm hực.

Em với chồng mới lấy nhau được 3 năm nay. Chồng em là bộ đội chuyên nghiệp đóng quân tại Vĩnh Phúc nên anh vắng nhà suốt. Rất ít khi anh về nhà với 2 mẹ con em. Ở Ninh Bình, chỉ có 2 mẹ con em sống với bố mẹ chồng là chính.

Hàng ngày em phải để con ở nhà cho bố mẹ chồng trông. Còn em đi làm nhân viên một công ty du lịch ở cách nhà 8km. Tận tối em mới về nhà rồi lại tất bật lo cơm nước cho con và bố mẹ chồng.

Bố mẹ chồng em mang tiếng ở nhà với cháu nhưng rất kiệm lời. Họ cũng không cưng nựng, dạy cháu học ăn, học nói. Bà thì mải làm rau trong vườn rồi chăn nuôi gà vịt, lợn nên bỏ mặc cháu cho ông trông.Ông thì ham xem ti vi nên để cháu thích chơi đâu thì chơi. Nhiều lần tôi đi làm về, thấy cháu ra tận cổng ngõ chơi trong khi ông ngồi trong nhà xem vô tuyến.

Chân tay của con lúc nào về cũng lem nhem do chạy khắp nơi ngoài sân, ngoài bếp. Đặc biệt, con của em lên 3 tuổi rồi nhưng nói được rất ít và sợ người lạ. Do ở nhà ông bà không dạy cháu nói cũng như không đưa cháu sang hàng xóm giao lưu như nhiều đứa trẻ khác.

Quá lo lắng cho tình trạng của con, em mới xin phép 2 ông bà đưa con về nhà ngoại cách đó 7km ở. Ông bà nội của con cũng đồng ý. Thấy việc đi làm hàng ngày bất tiện em xin phép cho mình về ngoại ở cùng con luôn. Cứ cuối tuần thì em đưa con về nhà nội chơi 1 ngày với ông bà. Sau đó lại đưa con trở lại bên ngoại ở.

Từ ngày con về ngoại, do được ông bà ngoại dạy nói và được giao lưu chơi với nhiều đứa trẻ khác nên con nói năng rất nhiều và hiếu động, hoạt bát hơn. Thậm chí, ông bà ngoại cũng cho con đi lớp với các bạn. Hàng ngày nhìn con ríu rít như vậy, mọi lo âu của em về con trước đó cũng được xua tan.

Em cứ nghĩ, chồng và ông bà nội khi nhìn thấy cháu như vậy họ sẽ vui và biết ơn nhà ngoại lắm. Nhưng mới ở được nhà ngoại 5 tháng, mấy hôm trước chồng em về nhà, thấy mẹ con em về ngoại ở, bỏ mặc bố mẹ chồng ở nhà, anh không vui ra mặt.

Anh hằm hằm đi xe về nhà ngoại rồi bắt mẹ con em về nhà nội luôn. Em bảo chỉ về chơi vài hôm ở nhà nội thôi thì anh bảo không được, phải đưa cả con về nhà chồng ở, không được sang ngoại ở nữa. Rồi anh nói em là người vợ không biết điều.

Thấy 2 vợ chồng to tiếng với nhau, bố mẹ đẻ em cũng khuyên em về nội sống cho yên cửa yên nhà. Nghe lời khuyên của mọi người, em cũng về nhà nội. Nhưng khi con về lại, em lại thấy con chẳng nói chẳng cười nên xót ruột.

Trước mặt bố mẹ chồng, em cũng nói rạch ròi hết mọi việc là cháu có dấu hiệu trầm cảm nên em xin phép cho 2 mẹ con em về nhà ngoại ở để con được va chạm với các bạn. Bên nội có việc gì em vẫn sẽ lo và về.

Đặc biệt, nếu bố mẹ chồng cần chu cấp tiền ăn, em vẫn sẽ gửi tiền ăn và thuốc thang như bình thường.

Song chồng em vẫn kiên quyết không đồng ý. Anh bảo nếu muốn về ngoại như vậy thì về 1 mình, đừng bao giờ mang con đi. Còn bảo là nhà phải có nóc. Trong khi anh ta có bao giờ về nhà nhiều đâu. Thậm chí những ngày nghỉ lễ 3-4 ngày, anh cũng không thèm về, ở lỳ tại cơ quan.

Rồi anh bảo nếu không vợ chồng ly hôn, anh không muốn sống với một người vợ giẻ rách, không có tư cách. Trong khi suốt 3 năm qua, em đi làm chắt chiu từng đồng nuôi con mà chẳng hề nhận được 1 đồng nào từ chồng. Thậm chí tiền ăn tiêu hàng ngày của cả bố mẹ chồng, em cũng đưa cho ông bà 1 tháng 2 triệu thêm thắt vào.

Quá chán ngán người chồng như vậy, em cũng đồng ý ly hôn luôn trước mặt bố mẹ chồng. Khi vừa quyết định ly hôn, chồng em đuổi 2 mẹ con em ra khỏi nhà ngay.

Nhưng em cứ bảo, để cho con nó ăn xong bát cơm rồi về. Thế mà chồng em cũng đâu đợi được. Anh ta đá ngay chiếc bát con đang cầm trên tay xuống đất vỡ tan tành bảo: “Giờ này mày còn ngồi ăn được. Cút khỏi nhà tao ngay cho khuất mắt”.

Đưa con ra khỏi nhà chồng lúc 9h tối hôm qua mà em nước mắt lưng tròng vì thương con. Bố mẹ chồng cứ níu kéo không cho em đi. Còn lão chồng em thì một mực đuổi vợ con. Chạm tự ái em cũng xách đồ và bế con đi mọi người ạ.

Có phải em đã làm gì sai rồi không mà chồng đối xử như thế?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *